Giá năng lượng tăng vọt trên thế giới trong thời gian gần đây có thể dẫn tới nhiều hệ lụy khó lường đối với kinh tế toàn cầu. Người mua Châu Á đang phải trả nhiều tiền nhất cho nhiều loại nhiên liệu có thể được đưa vào lò hơi hoặc tuabin điện trong khi tìm kiếm các giải pháp thay thế cho khí đốt tự nhiên ngày càng đắt đỏ. Cuộc khủng hoảng điện đang làm chao đảo các thị trường năng lượng từ Châu Âu sang Châu Á, với các loại nhiên liệu có thể được sử dụng để sưởi ấm hoặc phát điện như propan, dầu diesel và dầu nhiên liệu đang có nhu cầu cao.
Khủng hoảng năng lượng
Theo Bloomberg, tại Châu Á, giá propan đã tăng lên mức cao nhất kể từ ít nhất là năm 2016, trong khi dầu nhiên liệu gần đây tăng gần gấp đôi so với một năm trước đó. Tại Châu Âu, giá khí đốt tự nhiên tăng đột biến trong năm nay, với mức tăng gần 600%.
Nguyên nhân tăng giá một phần là do nguồn cung khí hóa lỏng thắt chặt hơn – bao gồm propan và butan. Các lô hàng từ Mỹ tới Châu Á giảm hơn 30% trong tháng 9 so với một tháng trước đó, xuống mức thấp nhất kể từ tháng 2 – theo Serena Huang, một nhà phân tích tại Vortexa Ltd.
Trong khi đó, lượng dầu nhiên liệu tồn kho đang giảm dần. Thường được sử dụng để cung cấp năng lượng cho các con tàu hoặc để dự phòng khẩn cấp cho khí đốt tự nhiên, các kho dự trữ tại trung tâm lưu trữ của Singapore đã giảm xuống mức thấp nhất trong hai năm.
Tập đoàn Goldman Sachs Group dự đoán cuộc khủng hoảng sẽ thúc đẩy tiêu thụ dầu thô lớn hơn vào cuối năm nay, trong khi Tập đoàn dầu khí Saudi Aramco của Saudi Arabia ước tính cuộc khủng hoảng khí đốt đã làm tăng nhu cầu dầu khoảng 500.000 thùng/ngày.
Trong khi đó, giá dầu thô tại thị trường Mỹ đã chạm mức cao nhất trong gần 7 năm qua, có thời điểm chạm mốc 79,47 USD/thùng – mức cao chưa từng thấy kể từ tháng 11.2014. Đà tăng giá xuất hiện trong bối cảnh Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các nước đối tác (OPEC+) quyết định giữ nguyên mức tăng sản lượng theo cam kết tại cuộc họp hồi tháng 7.2021, theo đó chỉ tăng 400.000 thùng/ngày cho đến ít nhất tháng 4.2021, chứ không tăng mạnh như cách mà Mỹ, Ấn Độ đang gây sức ép với OPEC+.
Hệ lụy và giải pháp
Việc giá khí đốt tăng cao, cùng với giá dầu chạm mức cao nhất trong nhiều năm qua, đã thổi bùng lên những lo ngại lạm phát gia tăng trên thế giới, có thể dẫn đến nhiều hệ lụy khó lường với kinh tế toàn cầu vốn đã suy giảm do đại dịch COVID-19. Vì các mặt hàng năng lượng được giao dịch trên thị trường toàn cầu, nên không có bất kỳ nước nào miễn nhiễm tác động trước xu hướng tăng giá. Và giá có thể còn tăng nữa trong mùa đông nay, khi nhu cầu tiêu thụ phục vụ cho sưởi ấm tăng vọt.
Ngân hàng Mỹ (Bank of America) cảnh báo, giá dầu dự kiến sẽ chạm mốc 100USD/thùng vào đầu mùa đông năm nay và nếu như vậy có thể gây ra cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu tiếp theo. Ngân hàng Mỹ lý giải, việc chuyển đổi từ khí sang dầu cộng với giá khí đốt tự nhiên cao kỷ lục có thể khiến nhu cầu dầu tăng thêm. Hơn nữa, nhu cầu năng lượng dự kiến sẽ tăng do mùa đông lạnh hơn bình thường, sẽ đẩy giá cả lên cao hơn. Đồng thời, việc mở lại hoạt động của các hãng hàng không quốc tế cũng được cho là sẽ thúc đẩy nhu cầu về nhiên liệu máy bay. “Nếu tất cả những yếu tố này kết hợp với nhau, giá dầu có thể tăng vọt và dẫn đến đợt áp lực lạm phát thứ hai trên toàn thế giới. Nói cách khác, chúng ta có thể chỉ cách cơn bão vĩ mô tiếp theo một cơn bão” – Ngân hàng Mỹ cho hay.
Một hệ lụy tiềm ẩn là chuỗi cung ứng toàn cầu có thể sẽ lại có thêm cú sốc mới từ Trung Quốc. Thiếu hụt điện năng tại Trung Quốc đại lục đe dọa làm gián đoạn sản xuất tại những địa phương đầu tàu, dẫn đến giảm sản lượng hàng hóa, kéo theo hệ lụy là có thể đẩy giá cả tăng cao ở cả Trung Quốc và các nước nhập khẩu hàng hoá Trung Quốc.
Trong bối cảnh đó, Liên minh Châu Âu (EU) cho biết sẽ kiểm tra cách vận hành thị trường năng lượng của khối và xem xét các đề xuất để củng cố những quy định nội khối. Hy Lạp đề nghị EU thành lập quỹ chung giúp các nước thành viên ứng phó với khủng hoảng. Tây Ban Nha mong muốn EU đứng ra mua năng lượng cho các thành viên theo gói tổng thể giống như cách khối này đã mua vaccine phòng COVID-19. Ngày 6.10, EU đã hối thúc các quốc gia thành viên giải ngân các quỹ hỗ trợ dành cho những người tiêu dùng chịu ảnh hưởng do việc tăng giá khí đốt và điện tại Châu Âu.
Cũng trong ngày 6.10, tại cuộc họp trực tuyến về các vấn đề phát triển năng lượng, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố nước này sẽ giúp đỡ Châu Âu giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng, nhưng không gây tổn hại cho mình. Ông Putin lưu ý, Nga luôn là nhà cung cấp khí đốt đáng tin cậy cho người tiêu dùng trên toàn thế giới và nước này luôn hoàn thành tốt mọi nghĩa vụ của mình. Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak đưa ra hai lựa chọn để giúp vượt qua cuộc khủng hoảng năng lượng ở Châu Âu: Ra mắt đường ống Nord Stream 2 sớm nhất và tăng khối lượng giao dịch trên nền tảng giao dịch điện tử của Gazprom ở St.Petersburg.