Trong một số lần đi tham dự các hội chợ lụa quốc tế, chị Lương Thanh Hạnh – Giám đốc Công ty Nội thất Rèm Ánh Trăng tại tỉnh Thái Bình nhìn thấy sự hào hứng của những người am hiểu về lụa và cả khách hàng đối với mặt hàng đũi làm tại Thái Bình.
Và chị hiểu rằng, con đường ngắn nhất để tìm kiếm mặt hàng chủ lực cũng như thương hiệu là dựa vào cái tên truyền thống “Đũi Thái Bình”. Chính tại nơi rất xa quê nhà, một lần nữa chị thấy được giá trị của lụa truyền thống có địa vị ra sao trong đời sống hiện đại, không quá ảo tưởng về giá trị cũ có thể hiện diện trên thương trường, nhưng chắc chắn nó là nền tảng để đưa công nghệ hiện đại, đưa kỹ thuật mới vào cái cũ theo thị hiếu khách hàng.
Với những mặt hàng khá phong phú, tuy giá thành cao, nhưng đũi Thái Bình đã thu hút sự chú ý của nhiều người, từ những nhà cung cấp tơ và nguyên liệu khác đến những nhà thiết kế đều đặt vấn đề trao đổi, mua bán mặt hàng này. Và chị đã nghĩ đến một cơ hội lớn đẩy mạnh thương hiệu mặt hàng đũi từ Thái Bình.
Triển lãm Tơ lụa Việt Nam – châu Á tuần qua tại thành phố Hội An cho thấy lụa Việt đang có nhiều triển vọng. Theo ông Dilip Barooah – Chủ tịch Hiệp hội Tơ lụa châu Á, sản lượng tơ lụa chiếm 0,5% thị phần thương mại thời trang thế giới trên tổng qui mô thị trường 1,15 nghìn tỷ USD.
Đối với thế giới, thị phần đó rất nhỏ, nhưng với từng nhà sản xuất tại Việt Nam và các nước châu Á, đó là triển vọng lớn, một phân khúc cao cấp thể hiện sự tự hào của người sản xuất lẫn người tiêu dùng. Thành công của những doanh nghiệp về tơ lụa ở các nước châu Á là do họ cố gắng nuôi dưỡng, giữ gìn thương hiệu truyền thống nhưng luôn áp dụng kỹ thuật và công nghệ hiện đại.
Nhìn từ Bảo Lộc (Lâm Đồng) để thấy, dù là vùng đang sản xuất tơ lụa theo kỹ thuật hiện đại nhất Việt Nam hiện nay nhưng cũng phải đối mặt với nhiều vấn đề.
Theo ông Nguyễn Tiến Dũng, đại diện Vietsilk Textile tại huyện Bảo Lộc, mỗi năm Công ty cho ra thị trường 60 tấn lụa mộc, chủ yếu xuất sang Nhật Bản, nhưng chất lượng tơ không đạt tiêu chuẩn quốc tế do nuôi giống tằm thương phẩm đã thoái hóa.
Sự lúng túng của Bảo Lộc ở chỗ không kết nối được với những viện nghiên cứu nông nghiệp để đặt hàng giống tằm chất lượng cao. Chính tại triển lãm này, ông Nguyễn Tiến Dũng chính thức đề nghị với các nhà sản xuất tơ tằm Nhật Bản giúp Bảo Lộc cải tiến chất lượng giống tằm, tặng cho Bảo Lộc những giống tằm chất lượng cao.
Qua đó cho thấy, người làm lụa Việt không nên ảo tưởng về danh tiếng truyền thống mà cần có sự hỗ trợ của công nghệ hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế.
Bà Ohara Natsuko – Phó hiệu trưởng Trường Đại học nữ Chiêu Hòa, Nhật Bản đã giới thiệu công trình nghiên cứu phối hợp giữa các đại học Việt Nam và Nhật Bản, cho biết, kỹ thuật thủ công dệt nhuộm tự nhiên của nghệ nhân ở Hà Đông và Tân Châu (An Giang) rất tuyệt vời, nhưng đang dần mai một, mặc dù xu hướng của thế giới đang hướng về sử dụng nguyên liệu thiên nhiên.
Sự mai một đó là do ngành sản xuất lụa tại Việt Nam manh mún, co cụm trong từng đơn vị, thiếu kết nối của một hiệp hội, hoặc với các viện nghiên cứu, với thị trường nước ngoài.
Cuộc hội ngộ tơ lụa tại Hội An có thể gióng lên tiếng chuông báo động: Lụa Việt nam đang thua các nước láng giềng. Ví dụ lụa Campuchia, cũng xuất phát điểm là lụa truyền thống, đã chọn hướng vào phân khúc cao cấp nhất của thị trường châu Âu, có mặt trong những bộ sưu tập thời trang của các nhà thiết kế Italia và Pháp.
Lụa Thái Lan với hai thương hiệu Spun Silk World và Jim Thomson đã lan tỏa danh tiếng khắp thế giới với chất lượng cao bao hàm các yếu tố mẫu mã, công nghệ sạch với môi trường, sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng và sử dụng người địa phương trong sản xuất.
Một cuộc hội ngộ đã đặt ra nhiều câu hỏi khó cho nhà sản xuất lụa Việt. Tuy nhiên đã xuất hiện nhiều doanh nghiệp trẻ từ làng lụa Vạn Phúc (Hà Nội),Thái Bình, Bảo Lộc (Lâm Đồng) tìm đường xuất khẩu ra nước ngoài…
BÍCH HỒNG/Doanh nhân Sài Gòn