Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường phải được xem là quốc sách quan trọng và trách nhiệm của toàn xã hội.
Nghị quyết 55/NQ/TW đã định hướng việc phát triển ngành năng lượng trong giai đoạn tới, trong đó, cải thiện chất lượng sử dụng năng lượng được đặc biệt quan tâm. Nghị quyết xác lập: sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường phải được xem là quốc sách quan trọng và trách nhiệm của toàn xã hội; tăng cường kiểm toán năng lượng; xây dựng cơ chế, chính sách đồng bộ, chế tài đủ mạnh và khả thi để khuyến khích đầu tư và sử dụng công nghệ, trang thiết bị tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường, góp phần thúc đẩy năng suất lao động và đổi mới mô hình tăng trưởng.
Về mục tiêu, Nghị quyết yêu cầu: tỷ lệ tiết kiệm năng lượng trên tổng tiêu thụ năng lượng cuối cùng so với kịch bản phát triển bình thường đạt khoảng 7% vào năm 2030 và khoảng 14% vào năm 2045 bên cạnh chỉ số cường độ năng lượng sơ cấp năm 2030 đạt từ 420 – 460 kgOE/1.000 USD GDP, năm 2045 từ 375 – 410 kgOE/1.000 USD GDP.
Năng lượng tiêu hao cho sản phẩm của Việt Nam cao hơn các nước
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, “Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả” đã được tổ chức triển khai từ năm 2006 – 2015 (chia làm hai giai đoạn 2006-2010 và 2011-2015) đã đưa lại mức tiết kiệm năng lượng tương đương hơn 16 triệu tấn dầu quy đổi (TOE). Riêng giai đoạn 2011- 2015 tỷ lệ tiết kiệm là 5,65%, tương đương với tổng năng lượng tiết kiệm được trong giai đoạn là 11,2 triệu TOE.
Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã được ban hành từ năm 2010, một hệ thống các văn bản bao gồm các nghị định, quyết định của Thủ tướng Chính phủ, thông tư của các Bộ, ngành để hướng dẫn thực thi Luật đã được xây dựng, ban hành và tổ chức triển khai thực hiện tương đối đồng bộ trong giai đoạn vừa qua thể hiện sự quan tâm và chính sách của Đảng và Nhà nước đối với lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Mặc dù đã đạt được một số kết quả tích cực, nhưng theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng, Việt Nam vẫn còn nhiều cơ hội kỹ thuật để giảm thiểu tình trạng thất thoát và lãng phí trong sử dụng năng lượng tại tất cả các lĩnh vực, từ sản xuất công nghiệp, thương mại dịch vụ cho đến tiêu dùng hộ gia đình.
Cụ thể, các khảo sát, tính toán cho thấy, hiệu suất sử dụng năng lượng trong nhiều nhà máy điện tuabin hơi đốt than, dầu của nước ta chỉ đạt được từ 28% đến 35%, thấp hơn so với các nước phát triển khoảng 8 – 10%. Hiệu suất các lò hơi công nghiệp chỉ đạt khoảng 60% năm 2010 và được nâng lên xấp xỉ 70% vào năm 2014 tuy nhiên, mức này vẫn thấp hơn mức trung bình của thế giới khoảng 10% và nếu so với các nước phát triển thì còn thấp hơn nữa.
Năng lượng tiêu hao cho một đơn vị sản phẩm trong nhiều ngành công nghiệp của nước ta cao hơn nhiều so với các nước phát triển.
“Tiềm năng tiết kiệm năng lượng trong công nghiệp sản xuất xi măng, thép, sành sứ, đông lạnh, hàng tiêu dùng,… có thể đạt trên 20%; lĩnh vực xây dựng dân dụng, giao thông vận tải có thể tới trên 30%; khu vực sinh hoạt và hoạt động dịch vụ tiềm năng tiết kiệm cũng không nhỏ. Kinh nghiệm của các quốc gia thành công khi xây dựng một nền kinh tế có năng lực cạnh tranh cao, sử dụng hiệu quả năng lượng và giảm phát thải, cho thấy các hoạt động tổng thể về tiết kiệm năng lượng cần được duy trì, củng cố và hoàn thiện liên tục cùng với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng chia sẻ.
Cải thiện khâu sử dụng năng lượng
Là đơn vị được giao phụ trách xây dựng và thực thi chính sách về năng lượng của Việt Nam, theo ông Hoàng Quốc Vượng, phát triển năng lượng đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội là tất yếu, song phát triển năng lượng phải đi liền với đảm bảo an ninh năng lượng, gắn với bảo vệ môi trường.
Để đạt được mục tiêu này, đối với lĩnh vực năng lượng, 2 giải pháp chiến lược là: nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, cải thiện hiệu suất năng lượng để giảm mức tiêu hao năng lượng; thay đổi cơ cấu nguồn năng lượng theo hướng giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch, đẩy mạnh khai thác có hiệu quả và tăng tỷ trọng sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo trong sản xuất và tiêu thụ năng lượng, ít phát thải khí nhà kính.
Việc duy trì các hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tại Việt Nam cần thiết phải tiếp tục thực hiện để giải quyết 5 vấn đề cốt lõi gồm: giảm áp lực đầu tư nguồn điện mới; bảo tồn nguồn tài nguyên năng lượng quốc gia; giảm cường độ sử dụng năng lượng quốc gia; bảo vệ môi trường và giảm phát thải khí nhà kính; hài hòa lợi ích về kinh tế, xã hội và xây dựng môi trường sống an toàn, văn minh, hiện đại cho người dân, doanh nghiệp và cộng đồng.
Hiện nay, Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030 đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành nhằm mục tiêu huy động mọi nguồn lực xã hội thực hiện mọi giải pháp về sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả để đạt được mục tiêu đến năm 2025.
Cụ thể: đạt mức tiết kiệm năng lượng 5,0 đến 7,0 % tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc trong giai đoạn từ năm 2019 đến năm 2025; giảm mức tổn thất điện năng xuống thấp hơn 6,5%; giảm mức tiêu hao năng lượng bình quân cho các ngành/phân ngành công nghiệp so với giai đoạn 2015 – 2018. Chương trình cũng đặt ra mục tiêu xây dựng 1 trung tâm dữ liệu năng lượng Việt Nam và ít nhất 2 trung tâm đào tạo quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cùng với Thành lập quỹ Thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả thông qua xã hội hóa, tài trợ và hợp tác của cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước.
Để đạt được mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, ông Hoàng Quốc Vượng cho rằng, cần lồng ghép mục tiêu tiết kiệm điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả vào trong kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế, trong kế hoạch chiến lược đổi mới công nghệ, kỹ thuật quốc gia và chiến lược về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam.
Đối với công tác pháp chế, cần xây dựng kế hoạch và tổ chức kiểm tra, giám sát toàn diện việc thực hiện quy định pháp luật về sử dụng điện/năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, đặc biệt đối với các ngành/tiểu ngành đã có quy định về định mức tiêu hao năng lượng, tiêu hao điện năng.
Đặc biệt, để việc tiết kiệm điện đi vào đời sống có hiệu quả, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho rằng, cần tuyên truyền, giáo dục để cải thiện hành vi của cá nhân, tập thể về tiết kiệm điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả theo các nhóm đối tượng: với công chức, viên chức, nhân viên văn phòng; với người lao động tại các đơn vị sản xuất kinh doanh; với học sinh, sinh viên; với nông dân…
Hiện, Bộ Công Thương đang triển khai nhanh, hiệu quả các dự án tín dụng quốc tế thúc đẩy tiết kiệm năng lượng tại Việt Nam (Dự án Tiết kiệm năng lượng cho ngành công nghiệp Việt Nam do Ngân hàng Thế giới tài trợ) và lập danh mục công nghệ, trang thiết sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả đối với một số ngành/lĩnh vực có cường độ sử dụng năng lượng cao.
Theo Baochinhphu.vn